Bạn biết chưa: Bia là phát minh của phụ nữ từ hơn 7000 năm trước
- Tháng Chín 26, 2023
- By Admin: admin
- Comment: 0
Phụ nữ bây giờ thường than phiền mỗi khi đàn ông uống bia. Nhưng có thể họ chưa biết, bia chính là phát minh của những người phụ nữ.
Hơn 7.000 năm trước ở nền văn minh Lưỡng Hà thuộc Iran ngày nay, những người phụ nữ đã trộn ngũ cốc với nước để nấu thức ăn cho những người đàn ông chuẩn bị đi săn bắn.
Vô tình, trong nồi nước của họ lại lẫn một vài vi khuẩn lên men. Và thế là thứ nước mà họ nấu ra đã trở thành phát minh bia đầu tiên của loài người.
Thật kỳ lạ, sau khi uống thứ nước này, những người đàn ông cảm thấy họ có nhiều năng lượng hơn cho ngày kiếm ăn mệt mỏi của mình. Bia từ đó được ưa chuộng, thậm chí còn được gọi là thức uống của các vị thần.
Jessica Zinskie, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Rowan cho biết: “Con người sinh ra đã có những DNA để uống bia“. Không phải ngẫu nhiên mà loại thức uống này lại được ưa chuộng trên khắp thế giới cho đến ngày nay.
Nói không quá thì bia chính là một dấu ấn của những nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên Trái Đất. Vậy thì không thể nói rằng uống bia là không văn minh.
Tại sao con người lại phát triển gen để uống bia?
Năm 2015, hai nhà sinh học Matthew Carrigan và Steven Benner tại Tổ chức Tiến hóa Phân tử Ứng dụng ở Gainesville, Florida, đã xuất bản một nghiên cứu trên Kỷ Yếu Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ. Trong đó, họ đã phân tích một gen được gọi là alcohol dehydrogenase (ADH4) xuất hiện trong các loài linh trưởng.
Gen này cho phép bộ máy tiêu hóa của chúng ta tiết ra enzyme chuyển hóa được ethanol – thành phần chính của rượu bia – thành năng lượng để hoạt động.
Nói cách khác, các loài linh trưởng tổ tiên của con người và chúng ta ngày nay đều có khả năng tiêu hóa rượu bia. Và nó xuất phát từ một quá trình tiến hóa đã xảy ra cách đây 10 triệu năm, khi những con linh trưởng đầu tiên chuyển nhà từ trên những tán cây cao xuống bên dưới tầng rừng.
Hệ quả của quá trình di chuyển này là nguồn thức ăn cũng thay đổi. Khi ở trên cao, những con khỉ thường hái được trái cây còn xanh. Nhưng ở tầng rừng bên dưới, tổ tiên của con người chỉ có thể thu lượm trái cây rụng đã chín quá và bị lên men thành rượu.
Chế độ ăn uống này dần dần khiến linh trưởng phải phát triển các gen hướng dẫn sản sinh ra enzyme tiêu hóa ethanol, hay ADH4 mà chúng ta biết đến ngày nay.
Ban đầu, gen này hoạt động không mấy hiệu quả bởi nồng độ cồn trong quả chín không quá lớn. Nhưng ADH4 đã dần được cải tiến để trở thành một phiên bản năng suất hơn sau khi bia được phát minh ra bởi con người.
Đó là khoảng những năm 5.000 trước Công nguyên, khi con người đã làm chủ được nền nông nghiệp. Một số người phụ nữ ở Lưỡng Hà chịu trách nhiệm chuẩn bị thức ăn cho những chuyến săn bắn của chồng con đã vô tình trộn các loại ngũ cốc lại và nấu với nước.
Trong đó có lẫn một số vi khuẩn lên men hoang dã, cuối cùng, đã biến thứ nước họ nấu thành bia. Đó là giả thuyết được đa số các nhà khảo cổ học khẳng định, sau khi họ tìm ra những chiếc bình ở Iran có niên đại 7.000 năm với dấu vết hóa học của bia.
Bia đã giúp các nền văn minh phát triển như thế nào?
Có thể nói bia là một kết quả trong quá trình tìm tòi khám phá của loài người. Trong tất cả các xã hội cổ đại từ Ai Cập cho đến Trung Hoa, bia luôn được ưa chuộng bởi thứ thức uống này cung cấp một lượng calo cùng với chất dinh dưỡng rất lớn phục vụ những chuyến săn bắn của họ.
Các nghiên cứu khảo cổ cho biết trong các khu vực mà nguồn nước bị ô nhiễm, nhiều bộ tộc cổ đại thậm chí đã lên men ngũ cốc để lấy bia uống thay cho nước. Tất nhiên, bia ở thời điểm đó có nồng độ cồn thấp. Nhưng có một số bằng chứng cho thấy những bộ tộc người cổ đại uống bia đã khỏe mạnh và chiếm ưu thế hơn so với những nhóm người không uống.
Lợi ích có thể đến từ hàm lượng calo, chất xơ và vitamin B hòa tan của bia. Ngoài ra, các chất phụ gia như trái cây và thảo mộc cũng chứa nhiều phytochemical, một loại siêu thực phẩm được thêm vào chế độ ăn uống. Các nhà nhân chủng học đã phát hiện ra rằng những người ở Nubia cổ đại thậm chí cùng dùng bia để chữa bệnh.
Họ đã sử dụng bia như một loại thuốc kháng sinh điều trị mọi thứ, từ bệnh nướu răng đến vết thương bị nhiễm trùng. Vào những năm 1980, George Armelagos, một giáo sư nhân chủng học tại Đại học Emory ở Atlanta, đã phân tích những chiếc xương của người Nubian 2.000 năm tuổi và phát hiện ra chúng có chứa chất kháng sinh tetracycline. Tetracycline có thể được tạo ra từ vi khuẩn Streptomyces, vốn phát triển trong bia khi nó được lên men.
Quan trọng hơn, bia cũng là một cột mốc cho thấy con người đã làm chủ được nền nông nghiệp. Đó là một dấu ấn quan trọng, bởi nhờ có nông nghiệp, con người mới tích lũy được nguồn cung cấp lương thực ổn định, cụ thể là ngũ cốc.
Sự ra đời của nông nghiệp đã cho phép những người du mục từ bỏ lối sống săn bắt và hái lượm. Họ bắt đầu tính đến chuyện định cư bằng cách trồng trọt và thuần hóa động vật. Các loại cây trồng đã được thuần hóa đã giúp cho việc sản xuất bia quy mô nhỏ và lớn trở nên khả thi.
Sau đó, sự xuất hiện của nông nghiệp đã dẫn đến sự phát triển của các nền văn minh như ở Lưỡng Hà trong khoảng 5.500 về trước. Kế đó là sự ra đời của các cộng đồng có tổ chức, họ thành lập bộ máy điều hành tựa như các chính phủ ngày nay, kết đống minh để chống lại kẻ thù và tiếp tục gia tăng năng suất sản xuất.
Khoảng những năm 3.000 trước Công nguyên, lúa mạch đã được thuần hóa và trở thành nguyên liệu lý tưởng để làm thực phẩm và bia. Các xã hội sở hữu lúa mạch đã đạt tới được an ninh lương thực cho phép họ gia tăng dân số nhanh chóng.
Bia vì thế rất được coi trọng và được cho là món quà của các vị thần. Vào khoảng năm 1800 trước Công nguyên, người Sumer cổ đại đã viết “công thức nấu bia” đầu tiên dưới dạng một bài thánh ca cho nữ thần Ninkasi.
Thức uống này cũng được đề cập trong câu chuyện được viết lâu đời nhất là Sử thi Gilgamesh. Người Ai Cập thậm chí có một nữ thần bia cho riêng họ tên là Tenenit. Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, công nhân Ai Cập được trả lương bằng bia có nồng độ cồn thấp để xây dựng các kim tự tháp và đền thờ cổ đại.
Bia cổ đại có khác với bia ngày nay hay không?
Chúng ta khó có thể biết điều đó, bởi thật không may, hầu hết các công thức nấu bia từ các nền văn minh sơ khai đã bị thất lạc theo thời gian. Công thức phát minh làm bia lâu đời nhất còn sót lại là một phần của bài thơ 3.900 năm tuổi của người Sumer mô tả quá trình sản xuất bia từ lúa mạch.
Nó có tên là “Bài thánh ca của Ninkasi” cho thấy các loại bia cổ đại sẽ chứa một nguồn maltose (lúa mì, lúa mạch, gạo,…), men tự nhiên và nước. Tùy thuộc vào các khu vực khác nhau trên thế giới, cộng đồng địa phương sẽ có các loại trái cây và thảo mộc ủ thêm vào.
Mặc dù chúng ta không có công thức nguyên bản, nhưng năm 2011, Patrick McGovern, một nhà khảo cổ ở Đại học Pennsylvania đã phân tích thành phần hóa học của cặn bia có trong đồ gốm của người Trung Quốc cổ đại. Sau đó ông đã có thể xác định các thành phần ban đầu của bia nó bao gồm gạo, nho và quả táo gai.
Ngoài ra, McGovern cũng đã cất công tìm kiếm những bằng chứng về các loại bia cổ đại ở các nền văn minh khác từng ngự trị Ai Cập và khu vực Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ông ấy đã hợp tác với Nhà máy bia Dogfish Head để làm sống dậy các hương vị cổ xưa này. Nếu thích, bạn có thể tìm kiếm chúng.
Nguồn: www.foodnk.com